Tài nguyên bản địa – Khởi nghiệp sáng tạo đa sắc màu

Rate this post

Những gì tôi viết ở đây như một tổng kết những trải nghiệm thực tế suốt 5 năm với vị trí của ban giám khảo và cố vấn khởi nghiệp cho chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tài nguyên bản địa (TNBĐ) của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA). Việt Nam “ra ngõ là gặp khởi nghiệp”, từ ngành nông đặc sản truyền thống đến công nghệ; từ thôn quê đến thành thị, từ cửa hàng trên phố đến kinh doanh online đủ các kiểu. Trong đó câu chuyện khởi nghiệp ĐMST TNBĐ của nhiều bạn trẻ nông thôn với khát vọng làm giàu cho quê hương đáng được khuyến khích và ủng hộ nhất. Các bạn này thật “dũng cảm khi dấn thân khởi nghiệp với những ngành nghề mà người khác cho rằng đầy rủi ro và lợi nhuận kém hấp dẫn mà lẽ ra sân chơi thách thức này nên dành cho các doanh nghiệp với nguồn lực lớn. Câu chuyện của một số bạn trẻ tiêu biểu khởi nghiệp với TNBĐ quê hương sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những nỗ lực đáng kể và phương thức ĐMST của họ từ khắp cả nước trên hành trình khởi nghiệp đầy rủi ro và vất vả.


Tài nguyên bản địa – Vì sao cần đổi mới sáng tạo?

Trước tiên chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của đổi mới và sáng tạo đối với phát triển sản phẩm. Nói đến đổi mới ta dễ hình dung đến việc thay đổi một số đặc điểm, chức năng hay tính năng nào đó của sản phẩm nhằm mục tiêu tạo ra giá trị tốt hoặc cao hơn (như rẻ hơn, chất liệu tốt hơn, bền hơn…) từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh trong ngắn hạn. Sáng tạo lại nhắm đến việc tạo ra một điều gì hay giá trị mới, thứ duy nhất hoặc vượt trội so với đối thủ như tạo ra một chủng loại sản phẩm mới từ đó giúp tạo ra ưu thế và lợi thế cạnh tranh trong dài hạn hơn. Khởi nghiệp sáng tạo (startup) hay gắn liền với việc hình thành một chủng loại sản phẩm mới với tiềm năng tăng trưởng lớn về nhu cầu. Vì thế ĐMST cần hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, các cấp độ khai thác sự thay đổi & cách thực hiện cụ thể nhằm định hướng khởi nghiệp thành công hơn.

Một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam rõ ràng rất cần các bạn trẻ khởi nghiệp các ngành nghề liên quan vì thực tế có quá nhiều vấn đề hay vướng mắc về kinh tế – xã hội cần được giải quyết theo góc nhìn thị trường luôn thay đổi. Đa số các dự án khởi nghiệp nông thôn có câu chuyện bắt nguồn từ việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống. Điều này thể hiện giá trị đích thực của cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp của BSA. Đó là vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu quá mức để trồng trọt rau củ quả làm đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD); vấn đề nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp luôn bị ép giá bán (như gạo, tiêu, sen, trái cây thậm chí cá tra); tình trạng “được mùa mất giá” & giải cứu nông sản “liên tục nở rộ” khắp mọi nơi cho nhiều loại nông sản rồi đến vấn đề biến đổi khí hậu tác động xấu đến thu hoạch vụ mùa; tình trạng thất nghiệp và thu nhập nhập thấp và còn rất nhiều những vấn đề tồn tại khác tại quê hương của họ.

Mỗi địa phương “sở hữu” những nguồn nguyên liệu và nhiều nông đặc sản đặc trưng riêng vùng miền với giá trị gia tăng không cao như sen Đồng Tháp, dừa Bến Tre, cá thác lác Hâu Giang, nghề dệt nhuộm thổ cẩm từ các làng nghề, đến nguyên liệu làm dược thảo hay thực phẩm phong phú từ các tỉnh miền tây bắc … Trong khi đó, thị trường & khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn nhiều về chất lượng (sạch, an toàn, dinh dưỡng), yếu tố cảm quan/cảm xúc nhằm thu hút khách hàng và đặc biệt yếu tố tiện lợi trong ứng dụng phù hợp với lối sống hiện đại (bao bì, cách đóng gói, đặt hàng, giao hàng…). Cách tư duy, sản xuất chế biến và kinh doanh truyền thống không cho phép nhà sản xuất bán giá cao, đang mất dần lợi thế và kém hấp dẫn khách hàng. Cụ thể việc kinh doanh cá khô, lạp xưởng, bánh tráng đặc sản nếu tiếp tục sản xuất như cách làm truyền thống, làm khô tự nhiên & bày bán trên đường từ lâu NTD đã ngán ngại vì thiếu vệ sinh chưa kể hóa chất tẩm ướp không rõ nguồn gốc. Trong ngành dịch vụ, việc tổ chức các tour du lịch miệt vườn hay homestay đơn giản kiểu cũ cũng không còn ăn khách, cạnh tranh chủ yếu bằng giá với lợi nhuận thấp. Nhằm mục tiêu khuyến khích cải tiến và nâng cao giá trị thậm chí tạo ra giá trị mới cho TNBĐ, ban tổ chức (BTC) cuộc thi luôn thách thức và định hướng các bạn trẻ cách tư duy và phương thức khởi nghiệp ĐMST đặc biệt ứng dụng công nghệ mới trong mọi khía cạnh từ sản xuất đến bán hàng. Việc hiện thực hóa đổi mới sáng tạo này nhằm nâng cao khả năng tạo ra của cải vật chất từ các TNBĐ từ những nông đặc sản địa phương, tạo ra tài nguyên mới có giá trị kinh tế cao hơn. Điều này cũng đồng thời giúp các bạn trẻ cơ hội lớn hơn để khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thành công. Hơn nữa chương trình cũng hướng đến việc liên kết và xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp TNBĐ mới cho tương lai với các thương hiệu trẻ định hướng phát triển bền vững trong phạm vi cả nước.


Đổi mới sáng tạo TNBĐ – Khởi nghiệp đa sắc màu

Tư duy là nền tảng quyết định việc khởi nghiệp trong thời đại hiện nay. Với định hướng cách tư duy ĐMST mới từ các chuyên gia tư vấn kinh nghiệm cùng hợp sức với BSA, ngay từ ban đầu các chương trình huấn luyện ĐMST của BSA hướng dẫn các bạn trẻ khởi nghiệp cách thức tìm ý tưởng từ việc khai thác thay đổi từ thị trường để phát triển cơ hội, sản phẩm và doanh nghiệp cụ thể nhằm mang đến những giá trị mới. Thực tế cuộc thi qua 5 năm cho thấy có 2 cách tiếp cận phổ biến và hiệu quả để ĐMST các TNBĐ tương ứng với sản phẩm của các bạn. Một là họ tập trung biến nguyên liệu thô sơ có giá trị thấp được bày bán với giá rẻ trên đường thành tài nguyên hữu ích và giá trị cao như trường hợp củ ấu tách vỏ đựng trong bao nylon mát tiện lợi của bạn Thy Anh (Đồng Tháp) có thể dùng để luộc ăn liền hay dùng để chế biến các món ăn. Khá thú vị là trường hợp các loại bánh (bánh hạnh phúc, bánh ngọt cookie…) được chế biến từ khoai lang tím “bình dân” của bạn Nguyễn Việt, công ty Bánh Nhật Ngọc (Vĩnh Long). Cách thứ hai các bạn kết hợp các tài nguyên hiện hữu thành một tổ hợp sản phẩm mới có giá trị hay hiệu suất cao hơn, chẳng hạn như sản phẩm bột rau (rau má, diếp cá…) sấy lạnh được đóng gói tiện lợi theo dịp sử dụng khác nhau của bạn Ngọc Hương, công ty Quảng Thanh, đọat giải 1 cuộc thi 2019 (TP HCM) phục vụ những người ít ăn rau; hay son môi và mỹ phẩm từ dừa tự nhiên của Ngọc Như (Bến Tre) đọat giải 3 cuộc thi 2019 với mô hình kinh doanh độc đáo dựa vào mạng lưới đại lý online và offline rộng khắp; độc đáo hơn là bạn Ngọc Như (Đồng Tháp) thiết kế và sản xuất các loại khăn choàng cổ mang phong cách mới từ nền tảng chiếc khăn rằn nhưng kết hợp kỹ thuật dệt thủ công của làng nghề truyền thống Hồng Ngự, Đồng Tháp với kỹ thuật nhuộm của người Thái Tây bắc, kỹ thuật thêu thổ cẩm của người Dao và vẽ sáp ong trang trí của nghệ nhân người H’Mong…

Điều lý thú là cả 2 tiếp cận trên của các bạn đều tập trung vào yếu tố thỏa mãn tốt hơn nhu cầu thị trường luôn thay đổi bằng những giá trị mới (trọng cầu) chứ không tập trung chạy theo số lượng (trọng cung) như cách làm truyền thống với giá trị gia tăng thấp. Chính điều này đã tạo nên khác biệt lớn cho chương trình khởi nghiệp này trong ngành hàng nông nghiệp truyền thống cũng như tạo lợi thế và nền tảng cho chính các bạn trẻ phát triển kinh doanh. Không chỉ ứng dụng ở mức độ đổi mới các khía cạnh sản phẩm/dịch vụ như đặc điểm, tính năng, thiết kế, bao bì, dịch vụ hay công nghệ, nhiều bạn còn sáng tạo thêm các chúng loại sản phẩm mới thậm chí cả mô hình kinh doanh mới. Cuộc thi qua các năm xuất hiện khá nhiều sản phẩm độc đáo, lần đầu xuất hiện như đồ lưu niệm, tranh hay đồ trang trí nội thất sử dụng hoa sen sấy khô của bạn Chí Công (Đồng Tháp); sản phẩm mật dừa nước của Minh Tiến, đọat giải 2 cuộc thi 2019 (TP HCM) và snack da cá của Huy Hoàng, đọat giải 2 cuộc thi 2019 thuộc cơ sở Quang Hiển (Đồng Tháp); bột rau máy sấy lạnh tiện dụng của Ngọc Hương (TP HCM); bột rau củ của Huyền Trâm DalaHouse đọat giải khuyến khích cuộc thi 2019 (Lâm Đồng), ống hút tre của Xuân Lâm với giải khuyến khích (Thanh Hóa)…

Có thể điều mà nhiều người quan tâm kế tiếp là liệu sản phẩm của các bạn trẻ này có yếu tố gì đổi mới hay sáng tạo so với các sản phẩm truyền thống cùng loại. Vậy đâu là yếu tố hay giá trị khác biệt để gia tăng sự thu hút & hấp dẫn thị trường và khách hàng? 

Trả lời các câu hỏi thách thức này, các bạn trẻ được hướng dẫn cách thức tư duy khởi nghiệp tinh gọn – từ việc phát hiện vấn đề thị trường và tạo ra giải pháp đáp ứng, rồi đến định nghĩa giá trị giải pháp và sau cùng mới tạo ra sản phẩm hay dịch vụ phù hợp để giúp khách hàng giải quyết vấn đề. Lối tư duy nghịch đảo theo hướng tạo giá trị mới kiểu này kèm theo liên tục thử nghiệm khách hàng giúp các bạn điều chỉnh ý tưởng và sản phẩm liên tục từ đó định vị sản phẩm phù hợp với thị trường đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng khả năng thành công và giảm thiểu rủi ro cho khởi nghiệp. Lấy sản phẩm bột rau má sấy lạnh trong gói nhỏ tiện lợi làm ví dụ. Sản phẩm của xu hướng tương lai này chuyên bù đắp thiếu hụt chất xơ giúp các khách hàng ít ăn rau do không có thói quen ăn rau từ nhỏ hoặc những người bận rộn hay di chuyển không có điều kiện ăn rau mỗi ngày. Còn nhiều hơn nữa giá trị mới tương tự như cá khô, ba khía, chả cá với đặc điểm sạch, an toàn nhờ phơi trong nhà kính hay dùng máy sấy năng lượng mặt trời, ít mặn hơn và đóng gói nhỏ tiện dụng dạng ăn liền (snack food) của bạn Hồng Chuyên cơ sở Ba Khía (Đồng Tháp)…Mọi người sẽ ngạc nhiên với những thiết kế và bao bì khá bắt mắt và tiện dụng mang phong cách hiện đại từ những sản phẩm vốn bình dân như cá khô, khoai lang tím, da cá tra sấy, thịt bò khô…Đó chính là lý do nhiều ý tưởng sản phẩm ngày càng được thương mại hóa thành công nhờ tính khả thi cao nhờ đáp ứng tốt nhu cầu của một nhóm khách hàng và thị trường ngách nhất định.

Nếu quan sát kỹ hơn cách các bạn trẻ khởi nghiệp chúng ta có thể phát hiện ra nhiều điểm lý thú về cách thức đổi mới và sáng tạo thông qua các phương thức khác nhau. Đơn giản & dễ thấy nhất là đổi mới sản phẩm từ đặc điểm như tính năng, kích cỡ, bao bì, thiết kế, mẫu mã rồi đến thành phần nguyên liệu, kể cả giảm thiểu nỗ lực mua hàng cho khách hàng nhờ ứng dụng kinh doanh qua mạng kết hợp giao hàng tận nhà. Tiêu biểu là sản phẩm mang thương hiệu Tiêu Ngũ sắc với 5 loại tiêu có 5 màu ứng với 5 độ cay khác nhau dựa trên kỹ thuật sấy và được chứa trong hộp nhựa tiện dụng của bạn Ngọc Bích ở Gia Lai. Nhiều sản phẩm cũng được giới thiệu và bày bán rộng rãi qua các sàn thương mại điện tử trên mạng kể cả những sản phẩm truyền thống như cá khô, chả cá, kẹo dừa…Điều đặc biệt hơn nhiều bạn còn ứng dụng việc đổi mới thành công về thị trường và khách hàng, một khía cạnh đổi mới đê tạo khác biệt mà không nhiều lắm các doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam hiểu và ứng dụng thành công. Các bạn tập trung đổi mới về nhu cầu tiêu dùng để tìm thị trường mới, chẳng hạn như nước chấm lên men từ quả mắt mật sử dụng cho nhu cầu ăn chay Bích Vân (Lâm Đồng); hay đổi mới khách hàng mục tiêu của trường hợp chả cá thác lác rút xương và bánh phồng tôm chả cá của bạn Kim Thùy HTX Kỳ Như với giải khuyến khích (Hậu Giang); và đặc biệt hơn là đổi mới tình huống sử dụng thể hiện xu hướng tiêu dùng mới như sản phẩm rau bột củ quả sấy lạnh dùng tiện lợi hàng ngày hoặc snack da cá tra của bạn Huy Hoàng (Đồng Tháp) dành cho những dịp ăn vặt của giới trẻ hay món khoái khẩu cho những người thích nhậu lai rai cùng bạn bè…

Rõ ràng phương thức tiếp cận đổi mới sản phẩm – thị trường với góc nhìn chi tiết như thế đã giúp nhiều bạn trẻ tìm ra những ý tưởng và cơ hội kinh doanh mang đến những giá trị mới cho khách hàng, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu mới phát sinh hoặc tiềm ẩn chưa được thỏa mãn. Bên cạnh những trường hợp thành công còn khá nhiều bài học thất bại khác của khởi nghiệp đều xuất phát từ đổi mới định vị sản phẩm – thị trường không rõ ràng dẫn đến không thể thương mại hóa sản phẩm do sản phẩm không tạo được khác biệt, có giá trị, thu hút khách hàng và không rõ thị trường mục tiêu cần nhắm tới. Qua các chương trình huấn luyện của BSA, các bạn trẻ liên tục đổi mới về định vị và thiết kế thương hiệu, tạo ra nhiều thương hiệu mới với câu chuyện và hình ảnh thú vị và hấp dẫn như Trà Thảo mộc Thanh An với giải khuyến khích của Ngọc Trân (Lâm Đồng). Đổi mới sản phẩm, dịch vụ này được làm giàu thêm bởi kinh nghiệm ứng dụng về những đổi mới về công nghệ & kỹ thuật nghiên cứu, sản xuất và chế biến đặc biệt trong các lãnh vực thực phẩm. Giờ đây các bạn khởi nghiệp trẻ liên tục cải tiến công nghệ và kỹ thuật mới về sinh hóa học để sản xuất trùn quế tạo dinh dưỡng nuôi đất sạch, nuôi gia súc, trồng trọt & canh tác định hướng hữu cơ, công nghệ sấy cho rau củ quả, trái cây, cá khô, chế biến thịt chưa kể các ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp, truyền thông và tiếp thị…

Chuyên gia hàng đầu thế giới về Startup, ông Steve Blank có phát biểu “Khởi nghiệp sáng tạo (startup) là đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới có thể nhân rộng ra được và lặp lại được.

Đó là lúc bạn phải vượt qua những quan niệm truyền thống để sáng tạo những giá trị mới…” Mô hình kinh doanh ngày cảng chứng tỏ khả năng quyết định thành công của nói đối với khởi nghiệp chứ không hẳn là sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí chiến lược. Minh chứng thành công khá thú vị cho đổi mới mô hình kinh doanh là bạn Ngọc Như (Bến Tre), kinh doanh các sản phẩm mỹ phầm làm đẹp từ thiên nhiên đặc biệt từ dừa như son môi dừa. Điều thành công nhất chính là việc ứng dụng thành công mô hình kết hợp danh mục sản phẩm đa dạng thep phểu marketing, mô hình phân phối & bán hàng dựa vào mạng lưới kết hợp cả offline và đa kênh online với hơn 500 đại lý và doanh số đến vài trăm triệu hàng tháng trong một thời gian chưa đến 2 năm triển khai. Lĩnh vực dịch vụ tương đối phức tạp hơn nên chưa có nhiều những trường hợp thành công, ngoại trừ dịch vụ du lịch C2T của bạn Phong Võ, một khởi nghiệp năng động từ Bến Tre, phát triển dựa vào mô hình kinh tế chia sẻ tiên tiến thông qua kết hợp chuỗi giá trị cho hệ sinh thái du lịch miệt vườn, từ tổ chức tour du lịch thiết kế riêng theo đoàn, lưu trú ở homestay, ăn uống, tham quan làng nghề, vườn cây, khu du lịch sinh thái + nông nghiệp cao, du lịch khám phá trên sông, trò chơi dân gian, du lịch sinh thái bảo vệ môi trường, trải nghiệm văn hóa địa phương đến tham qua mua sắm tại khu du lịch và trạm dừng… Mô hình dịch vụ này chứng tỏ cách đổi mới mô hình kinh doanh – yếu tố nền tảng để giúp khởi nghiệp thành công bền vững – sẽ tạo khác biệt và lợi thế cạnh tranh vượt trội cho khởi nghiệp đối với cả doanh nghiệp vừa và lớn trong cùng ngành. Cách thức đổi mới sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh thông qua kết hợp như thế đều giúp gia tăng giá trị cho khách hàng, đồng thời gia tăng nguồn thu đa dạng & hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chúng tôi cho rằng việc phát triển kinh doanh của các bạn khởi nghiệp nông thôn sẽ phát huy hiệu quả cao hơn nữa nếu các bạn tiếp tục học hỏi và ứng dụng tốt hơn cách thức đổi mới truyền thông, chẳng hạn qua việc tạo dựng các câu chuyện khởi nghiệp cá nhân, câu chuyện về sản phẩm đặc sản địa phương; đổi mới tiếp thị đặc biệt ứng dụng công nghệ & kỹ thuật marketing và kinh doanh online, kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng tiếp thị đa kênh, thiết kế phễu marketing cho danh mục sản phẩm, xây dựng mô hình tiếp thị – kinh doanh ứng dụng công nghệ số, đổi mới dịch vụ và trải nghiệm mua sắm cho khách hàng…

Nhìn chung, các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp đều có nhiếu ước mơ lớn, khát khao thành công, chịu khó học hỏi và ứng dụng nhiều kiến thức mới trong điều kiện nguồn lực còn nhiều hạn chế. Các bạn chủ yếu tập trung cải tiến hay đổi mới những sản phẩm hiện hữu, tìm kiếm các vấn đề mới để giải quyết hoặc đáp ứng nhu cầu mới, nâng cấp thậm chí một ít bạn tạo ra những giá trị mới. Nhiều dự án có tính khả thi cao nhờ giải quyết những vấn đề thực tiễn với sản phẩm có khả năng thương mại hóa tốt. Tuy nhiên, có một số hạn chế khá phổ biến ở một số dự án khởi nghiệp như định vị sản phẩm – thị trường chưa rõ dẫn đến tính khả thi về thương mại chưa cao – nói khác đi là chưa tìm ra thị trường ngách phù hợp với sản phẩm phù hợp; các bạn tập trung đổi mới sản phẩm vì dễ làm hơn là đổi mới thị trường, khách hàng & dịp sử dụng cũng như đổi mới mô hình kinh doanh liên quan đến cách thức kiếm tiền & tạo giá trị; việc xác định các yếu tố khác biệt còn hạn chế nhằm thu hút & giữ chân khách hàng; năng lực ứng dụng công nghệ mới đặc biệt marketing số vẫn còn khoảng cách khá xa so với các tỉnh thành phố lớn. Kỹ năng khởi nghiệp theo nhóm, giao tiếp, kết nối kinh doanh, bán hàng và quản lý tài chính của các bạn cũng là những vấn đề bức xúc cần cải thiện để đảm bảo khởi nghiệp phát triển bền vững & thành công hơn.


Các bạn trẻ đang ở đâu trong hành trình khởi nghiệp

Thách thức lớn nhất của khởi nghiệp chính là định vị rõ mình đang ở đâu trên hành trình khởi nghiệp, bạn đang đi đến đâu & làm thế nào để đi đến đích thành công nhanh và hiệu quả hơn với tấm bản đồ hướng dẫn rõ ràng. Việc nhận thức rõ hơn con đường phía trước rất quan trọng hình dung như một chuỗi tiến trình từ lúc khởi đầu, tiến triển & kết thúc theo cách có thể dự đoán được. Chuyên gia Howard Love có phát biểu “Chẳng có con đường nào thẳng từ khởi nghiệp đến thành công bền vững…thay vào đó, thành công bền vững theo một đường cong J”.

Theo đó một hành trình khởi nghiệp bao gồm 6 bước từ khởi tạo, ra mắt sản phẩm hay doanh nghiệp, biến đổi sản phẩm cho phù hợp thị trường, thiết lập mô hình kinh doanh, mở rộng quy mô và gặt hái thành tựu. Đa số các dự án khởi nghiệp như cá khô Ba Khía, mật dừa nước, bột rau củ … đang tập trung ở bước 2-3 sau khi ra mắt sản phẩm có chức năng tối thiểu (MVP) và đang cần xác định định vị sản phẩm – thị trường thông qua các thử nghiệm thị trường & điều chỉnh liên tục cho phù hợp. Đây cũng là lúc mà ý tưởng sáng tạo cần biến thành sản phẩm cụ thể với nền tảng thực tiễn, tìm được sự ủng hộ liên tục từ khách hàng và sinh lời thực tế. Các bạn bắt đầu tận dụng các cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng tại các phiên chợ khởi nghiệp hay sư kiện kết nối kinh doanh để lắng nghe và ghi nhận phản hồi trực tiếp để điều chỉnh danh mục sản phẩm. Thông qua cuộc thi, một số ý tưởng ban đầu tiếp tục đi tới để biến thành những sản phẩm khả thi trong khi một số ý tưởng dự án gặp thất bại do tính khả thi kém hoặc có trường hợp biến đổi thành ý tưởng mới. Một số khác bỏ cuộc nữa chừng, chịu rơi vào “thung lũng chết” do không biết cách phân bổ nguồn lực phù hợp trên hành trình khởi nghiệp. Đa số các dự án đoạt giải cao đã ở cuối bước 3 sau khi thực hiện biến đổi để có được những mô hình sản phẩm khả thi, thu hút được một số lượng lớn khách hàng tin yêu & mua dùng thường xuyên. Bước 4 với việc xây dựng mô hình kinh doanh nhằm đặt nền móng vững chắc để có doanh số và lợi nhuận tốt thì chưa xuất hiện nhiều bạn đạt đến điềm này. Khó khăn lớn nhất là các bạn chưa biết cách ứng dụng công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới nhằm hướng dẫn cách thức thu hút lượng khách hàng lớn và mua lập lại, cách kiếm tiền liên tục thông qua việc tạo ra giá trị đổi mới cho khách hàng, cách tạo giá trị khác biệt cũng như cách tạo ra các nguồn thu đa dạng để tăng trưởng doanh nghiệp. Thực tế cũng có bạn do nóng vội, chưa có mô hình kinh doanh ở bước 4 đã vội vàng chuyển sang bước 5 mở rộng để huy động nguồn lực lớn từ bên ngoài trong khi chưa đạt đến lợi thế cạnh tranh nên đã gặp thất bại.

Thông qua cuộc thi cùng với các chương trình huấn luyện gần đây, đa số các bạn khởi nghiệp trong chương trình đều nhận thức rõ mình đang ở đâu trên hành trình khởi nghiệp, mục tiêu & thách thức của mỗi bước để phân bổ nguồn lực phù hợp, các nguyên nhân thất bại & các yếu tố quyết định thành công để tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiếu rủi ro thất bại. Các bạn xứng đáng là những đại diện tiêu biểu cho tầng lớp doanh nhân tương lai, những người làm giàu chân chính với sứ mệnh phát triển TNBĐ của nước ta lên tầm cao mới nhờ ĐMST. Với tầm nhìn hướng đến tương lai, mong rằng ngày càng có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ tích cực và thực tiễn từ các chương trình khởi nghiệp.

06.12.2019

Trần Anh Tuấn

 
Call
icons8-exercise-96 chat-active-icon