Khởi nghiệp – Đam mê thôi chưa đủ!

Rate this post

Khởi nghiệp đang trở thành “làn sóng” mới trong giới trẻ, nhưng làm thế nào để biến ý tưởng thành dự án khởi nghiệp? Giải pháp nào để kêu gọi nhà đầu tư, thuyết phục khách hàng? Ðó là vấn đề được nhiều bạn trẻ đặt ra tại Diễn đàn “Khởi nghiệp cùng nông nghiệp số” cho sinh viên khu vực ÐBSCL, do Hội Sinh viên TP Cần Thơ tổ chức.

Lập kế hoạch khởi nghiệp

Bạn Dương Quỳnh Như, sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang, nêu ra hàng loạt khó khăn “cản bước” quá trình khởi nghiệp của sinh viên. Ðó là cách thức để biến ý tưởng sáng tạo thành một dự án khởi nghiệp đủ sức thuyết phục nhà đầu tư, phương pháp tiếp thị thương hiệu và kỹ năng chinh phục khách hàng. Chưa kể, nếu là dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp số, đòi hỏi ý tưởng phải tạo sự khác biệt, có kiến thức về công nghệ và nguồn vốn khá lớn – vốn là điểm yếu của người mới khởi nghiệp. Còn bạn Huỳnh Hữu Thịnh, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho rằng thế mạnh của vùng ÐBSCL là tiềm năng phát triển nông nghiệp, vì thế khởi nghiệp dựa trên khai thác tài nguyên bản địa là xu thế được người trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, hạn chế của sản xuất nông nghiệp là nhỏ lẻ, manh mún, số lượng hộ dân khá lớn, gây khó khăn việc tập hợp triển khai các dự án khởi nghiệp. Việc vận động, thuyết phục đông đảo nông hộ tham gia một dự án khởi nghiệp của người trẻ là điều không dễ dàng.

Những vấn đề đặt ra của 2 bạn trẻ trên cho thấy để biến ý tưởng sáng tạo thành một dự án, mô hình khởi nghiệp không chỉ cần đam mê, mà còn nhiều yếu tố khác. Tiến sĩ Võ Trung Âu, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Trường Ðại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh niềm đam mê, tính kiên trì, bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế khởi nghiệp. Ðó là một kế hoạch khởi nghiệp bài bản, với mục tiêu rõ ràng, từ việc nắm được thế mạnh của sản phẩm, nhu cầu thị trường, đến việc tập hợp đội ngũ cộng sự (tài chính, quan hệ công chúng, nhân viên kinh doanh…). Việc xác lập kế hoạch rõ ràng là động lực để bạn trẻ đầu tư về kiến thức, kỹ năng đến phương pháp làm việc, từ đó, hạn chế rủi ro trong quá trình khởi nghiệp. Trong quá trình thực hiện, bạn trẻ cần “định vị” lại xem mô hình khởi nghiệp thiếu những gì và có thế mạnh gì để phát huy kết quả đạt được, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế. “Khi đã có ý tưởng, chúng ta xem ý tưởng có khả thi không? Ðiểm mạnh và điểm yếu của ý tưởng, sự khác biệt với các ý tưởng khác?”, Tiến sĩ Võ Trung Âu cho lời khuyên.

Học từ những thất bại

Theo Tiến sĩ Võ Trung Âu, thất bại là chuyện không hiếm ở quá trình khởi nghiệp. Ðiều quan trọng là sau mỗi thất bại, người trẻ rút ra bài học gì để hoàn thiện, định hình mô hình sản xuất, kinh doanh. Cái mình mất có thể là vốn, nhưng bù lại chúng ta có kiến thức, trải nghiệm thực tế, vì thế ở mặt nào đó không thể nói là thất bại, mà còn giúp người trẻ tiến bộ, tìm ra một giải pháp mới để phát triển.

Hành trình khởi nghiệp của anh Phạm Chí Tín, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Vạn Tín Organics (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), lắm chông gai, vì nhiều lần thất bại. Khi còn là sinh viên ngành Công nghệ hóa học (Trường Ðại học Cần Thơ), nhờ tham gia nghiên cứu khoa học, anh tìm ra công thức chế biến một số loại nước uống làm từ bắp, hạt sen, bí đỏ… Qua đó, nhận thấy, nước uống làm từ bí đỏ mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất và bắt đầu khởi nghiệp. Anh Tín cho rằng, khó khăn nhiều lắm, nhất là khâu tiếp cận thị trường. Ðể sản phẩm đến tay người tiêu dùng, sau nhiều lần thử nghiệm, thậm chí phải làm thuê để học hỏi kinh nghiệm, anh mới tổ chức được các khâu phân phối, bán hàng sao cho hiệu quả…

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công cho rằng, điều quan trọng hơn là nâng cao nhận thức của sinh viên về khởi nghiệp. Yêu cầu đặt lên vai người khởi nghiệp là làm sao nắm bắt, theo kịp xu thế của thế giới để vận dụng vào khai thác tài nguyên bản địa – sản phẩm mang tính đặc trưng, độc đáo, khác biệt của địa phương để phát triển, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng từ thị trường nội địa đến thị trường thế giới. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp tốt với các trường học tổ chức giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; tăng cường truyền thông về khởi nghiệp và mở các diễn đàn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ðồng thời, có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, đề tài nghiên cứu để được đưa vào các vườn ươm, hoàn thiện sản phẩm và phát triển thành mô hình khởi nghiệp.

Nguồn: theo https://baocantho.com.vn/

Call
icons8-exercise-96 chat-active-icon