Giải pháp nào cho doanh nghiệp tái tạo tăng trưởng?

Rate this post

BNEWS Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức ở giai đoạn hậu COVID-19 và đòi hỏi doanh nghiệp phải góp phần tái tạo tăng trưởng thúc đẩy kinh tế trong thời gian tới.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên tọa đàm “Chuyển đổi số” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh 2022: Tái tạo tăng trưởng. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Chiều ngày 4/8, tại Diễn đàn kinh doanh 2022: Tái tạo tăng trưởng do Forbes Việt Nam tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô GDP, nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm có độ mở cao nhất thế giới nên cũng dễ bị tổn thương từ những yếu tố bên ngoài.

Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức ở giai đoạn hậu COVID-19 và đòi hỏi doanh nghiệp phải góp phần tái tạo tăng trưởng thúc đẩy kinh tế trong thời gian tới.
* Dự báo tăng trưởng kinh tế
Theo các chuyên gia, ba vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là tình hình căng thẳng địa chính trị tại một số điểm nóng trên thế giới, chính sách phòng chóng COVID-19 của Trung Quốc – quốc gia công xưởng chế tạo của thế giới và những quyết định kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông qua điều hành lãi suất cơ bản.
Tuy nỗi ám ảnh dịch COVID-19 đang dần bỏ lại phía sau, nhưng con đường phục hồi kinh tế thế giới không bằng phẳng. Trong đó, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức hiện hữu như giá nguyên liệu tăng, lạm phát tại những đầu tàu kinh tế thế giới ở mức đỉnh của nhiều năm, sự lệch pha trong điều hành và kích cầu kinh tế giữa những nền kinh tế lớn.
Dịch COVID-19 thay đổi nhiều mô hình kinh doanh, thị trường và thói quen tiêu dùng… dẫn đến doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất là những nơi áp dụng công nghệ và chuyển đổi số hiệu quả nhất. Cùng với đó, doanh nghiệp cần hướng đến con đường phát triển bền vững và có trách nhiệm trên nền tảng nội tại và cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Ông Brian Lee Shun Rong, Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar của Ngân hàng đầu tư Maybank cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều hơn mua tại thị trường nội địa và tỷ lệ này cao hơn so một số quốc gia trong khu vực. Với thực trạng này, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ nội địa hóa mới có thể chống chọi với rủi ro đứt gẫy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước khi có biến động thị trường toàn cầu.

Ông Brian Lee Shun Rong, Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar của Ngân hàng đầu tư Maybank thông tin về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nội lực, nhất là ở những lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… làm nền tảng cho doanh nghiệp kết nối mạng lưới sản xuất và mở rộng đầu tư. Riêng phát triển nền kinh tế số cũng đòi hỏi nguồn vốn dồi dào đầu tư vào cộng đồng khởi nghiệp; hay một số cơ chế chính sách thúc đẩy khai thác thị trường tiêu dùng thích ứng với công nghệ mới và kiểm soát vấn đề an ninh mạng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho hay, giá cả năng lượng tăng kéo theo áp lực lạm phát, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường giá cả hàng hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn thuộc nhóm nền kinh tế có chỉ số lạm phát thấp với mức 3,1% và dự kiến đảm bảo mục tiêu lạm phát khoảng 4% đến cuối năm 2022.
Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát Việt Nam chưa đạt đỉnh thì nền kinh tế vẫn đối mặt với xu hướng lạm phát tăng ở những tháng cuối năm 2022. Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế, dù tốc độ tăng có thể giảm trong 6 tháng cuối năm 2022. Với các yếu tố tiêu dùng phục hồi, đầu tư tư nhân phục hồi và xuất khẩu có thể dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ là 7,3% – 7,6%.

Điều này có nghĩa là mục tiêu kiểm soát mục tiêu lạm phát của Việt Nam vẫn đảm bảo và điều này tạo điều kiện cho việc điều chỉnh chính sách vĩ mô linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không chuẩn bị những dư địa chính sách cho kịch bản kinh tế toàn cầu có thể xấu đi trong thời gian tới thì khó đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2023 – 2025.
Triển vọng ngắn và trung hạn của kinh tế Việt Nam và động lực tăng trưởng giai đoạn 2023 – 2025 là các yếu tố như tiêu dùng của tầng lớp trung lưu; đầu tư công, tư nhân và FDI… Dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,8% bình quân trong trung hạn (2023 – 2025) là khả thi cho dù không có cải cách sâu rộng.
* Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế số
Hiện nay, môi trường kinh doanh biến động nên doanh nghiệp cần mang lại những giải pháp tốt nhất cho khách hàng mới kết nối và giữ được khách hàng đồng hành lâu dài. Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải chủ động thử nghiệm nhiều giải pháp xây dựng hệ sinh thái số phù hợp như chia sẻ cơ sở dữ liệu, liên kết với nhiều đối tác và sử dụng tài sản số.

Đại diện doanh nghiệp được Forbes Việt Nam vinh danh Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất 2022 trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh 2022: Tái tạo tăng trưởng. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực và cạnh tranh nhân tài, nhưng điều này chưa phải tất cả mà còn yêu cầu tư duy quản trị và vận hành doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chuyển đổi số theo xu hướng hay phong trào mà cần xác định doanh nghiệp đang cần điều gì để lựa chọn chiến lược chuyển đổi số với những giải pháp mang lại lợi ích thiết thực.
Đặc biệt, thử thách lớn nhất trong chuyển đổi số là doanh nghiệp đối mặt với rủi ro thiếu nguồn lực hoặc nguồn lực sẵn có chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng hệ sinh thái số. Do đó, chỉ khi doanh nghiệp có nguồn lực đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số thì mới có thể mang lại lợi thế cạnh tranh từ sản phẩm, dịch vụ và chiếm thị phần sớm hơn.
Liên quan đến chuyển đổi số, ông Đào Thế Vinh, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) chia sẻ, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp khởi đầu từ những bước cơ bản như quản lý khách hàng, doanh thu…, sau đó phát triển những phần mềm ứng dụng theo nhu cầu đặc thù. Qua 2 năm chuyển đổi số, doanh nghiệp đã quản trị tốt trên cơ sở dữ liệu, vận hành trải nghiệm khách hàng thuận lợi hơn… với những giải pháp, công cụ tương tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với khách hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EQuest Education cho hay, trước dịch COVID-19 doanh nghiệp đã có chiến lược xác định chuyển đổi số là giải pháp sống còn; trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ và phát triển nội dung số. Bên cạnh đó, phát triển những nền tảng quản trị và vận hành chuyển đổi số, khai thác triệt để hiệu quả của chuyển đổi số.
Để thành công trong chuyển đổi số thì vai trò lãnh đạo rất quan trọng và sự cộng hưởng của tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Điển hình trong lĩnh vực giáo dục muốn chuyển đổi số thì phải tuyên truyền nội bộ và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số giữ các phòng, ban cũng như toàn bộ doanh nghiệp.
Riêng ở lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Tiên Phong (TP Bank) chỉ ra rằng, xây dựng hệ sinh thái số thì người dùng sẽ được lợi từ giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp. Hiện tại, có hơn 95% giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng là trên nền tảng số, số còn lại là tại mạng lưới giao dịch vật lý ở hệ thống giao dịch.
Hệ sinh thái số là yêu cầu bắt buộc chứ không còn là xu hướng và bằng việc xây dựng hệ sinh thái của cộng đồng doanh nghiệp cung ứng phong phú sản phẩm, dịch vụ liên kết… đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng có xu thế lựa chọn tiêu dùng ở những đơn vị cung ứng chuỗi toàn diện. Bởi hệ sinh thái số mang lại cho khách hàng đa dạng tiện tích và mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng, dẫn đến doanh nghiệp giữ được khách hàng và mở rộng thị trường cho đối tác của doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái số.
Một số doanh nghiệp khác cho rằng, chuyển đổi số cần bắt đầu từ nội bộ, nhất là vai trò của người lãnh đạo cần trở thành người lãnh đạo số. Vì chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ thông tin mà trên toàn hệ thống trong nội bộ và tiếp theo mở rộng từng bước ra khách hàng.
Chính vì vậy, để đáp ứng xu hướng chuyển đổi số của toàn cầu, doanh nghiệp nên linh hoạt ứng dụng công nghệ hiệu quả toàn diện các khâu, gồm: quản trị, vận hành, sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, doanh nghiệp dù ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có thể tận dụng công nghệ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt; sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng trải nghiệm cho khách hàng; cá nhân hóa và xây dựng hoạt động kinh doanh xung quanh con người dựa trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến (online)…/.

Nguồn: https://bnews.vn/giai-phap-nao-cho-doanh-nghiep-tai-tao-tang-truong/253685.html. 

Call
icons8-exercise-96 chat-active-icon