Nhượng quyền kinh doanh được xem như một chiến lược để phát triển kinh doanh & đã được trải nghiệm thành công trong nhiều năm qua trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc trở thành một người nhượng quyền (franchisor) thành công không dễ dàng và franchise không hẳn là một sự đảm bảo chắc chắn cho thành công. Khá nhiều mô hình chuỗi đang được phát triển thị phần & độ phủ rộng rãi nhưng chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro phát sinh khi tăng trưởng đến một quy mô nhất định, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống. Vì vậy, nếu bạn cân nhắc việc dấn thân khởi nghiệp bằng franchise với mong muốn mở rộng kinh doanh trong và ngoài nước dựa vào phát triển tài sản vô hình & nguồn lực từ bên ngoài, điều quan trọng là bạn nên thực hiện những bước đi bài bản & vững chắc để phát triển mô hình franchise phát triển bền vững.
Sau đây là 6 bước quan trọng cần thiết giúp bạn dấn thân vào hành trình để trở thành franchisor thành công.
Bước 1 – Xác định rõ nếu bạn sẵn sàng cho franchise
Việc đầu tiên bạn cần cân nhắc kỹ ý tưởng mô hình kinh doanh của bạn có tạo cơ hội cho franchise phát triển hay không. Thực tế có nhiều mô hình franchise tốt có một số điểm tương đồng nhau nhưng chúng cũng cần sở hữu những điểm khác biệt & đổi mới riêng – yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình franchise. Ý tưởng mô hình kinh doanh phải khác biệt, hấp dẫn & thu hút cả người tiêu dùng và người nhận quyền (franchisee) tiềm năng. Tuy nhiên, ý tưởng độc đáo chỉ là điều kiện cần, bước kế tiếp bạn phải nỗ lực xây dựng thành hệ thống kinh doanh hoàn chỉnh, có khả năng nhân rộng & kiểm soát tốt, hạn chế tình trạng có sự can thiệp của cá nhân khi vận hành hệ thống để đảm bảo tính nhất quán và toàn vẹn của hệ thống. Phong cách quản lý cục bộ theo kiểu “gia đình trị” là nguyên nhân chù yếu gây ảnh hưởng không tốt, làm hạn chế tiềm năng phát triển bền vững của hệ thống franchise. Như vậy, bạn nên tự hỏi liệu ý tưởng kinh doanh của mình có độc đáo, hấp dẫn, thu hút thị trường, có thể kiểm soát & phát triển nhân rộng được hay không.
Điều thứ hai, bạn hãy đánh giá hiệu quả tài chính của mô hình kinh doanh. Hầu hết các mô hình franchise thành công đều dựa vào kinh doanh có lãi từ đó nỗ lực nhân rộng hệ thống thành công với nhiều địa điểm khác nhau. Bạn nên sở hữu 2-3 điểm kinh doanh thành công trước khi dấn thân phát triển franchise để đảm bảo bạn trang bị kiến thức, kỹ năng & kinh nghiệm cần thiết kể cả bằng chứng thành công để thu hút những người nhận quyền tiềm năng. Hơn nữa, bạn hãy thể hiện cụ thể cho họ thấy vì sao họ nên quyết định đầu tư vào hệ thống franchise của bạn xét về góc độ hiệu quả đầu tư tài chính, dòng tiền được vận hành hiệu quả như thế nào trong suốt thời gian đầu tư.
Điều thứ ba, việc nghiên cứu thị trường rất cần thiết vì giúp bạn tiên liệu trước thị trường có dung lượng đủ lớn & hấp dẫn hay không xét về nhu cầu khách hàng trong khu vực mà bạn đang muốn tập trung hoạt động franchise. Khu vực này có thể là quốc gia của bạn hoặc các quốc gia hải ngoại khác. Tương tự, bạn có thể nghiên cứu xác định rõ liệu thị trường có thật sự tiềm năng, khách hàng mục tiêu ủng hộ ý tưởng kinh doanh của bạn như thế nào.
Bước 2 – Phát triển chiến lược franchise
Bước kế tiếp là phát triển chiến lược franchise nhằm mở rộng hệ thống franchise. Bạn cần quan tâm đến những khía cạnh cốt lõi khi xây dựng chiến lược franchise bao gồm:
- Chi phí nhượng quyền ban đầu & phí nhượng quyền định kỳ
- Thời gian hợp tác franchise
- Các khu vực địa lý mà bạn đang nhắm đến
- Quy mô các khu vực mà bạn dự dành cho các người nhận quyền
- Loại hình franchise mà bạn cung cấp cho người nhận quyền – nó thuộc loại franchise đơn lẻ (singleunit), franchise khu vực (area franchise) với nhiều điểm kinh doanh trong khu vực quy định, hoặcfranchise chủ đạo hay toàn quyền (master franchise) mà người nhận quyền có thể nhượng quyềnkinh doanh lại cho người khác (sub-franchising)
- Chương trình huấn luyện mà bạn sẽ cung cấp cho người nhận quyền
- Loại hình hỗ trợ thường xuyên mà bạn cung cấp cho người nhận quyền
- Xác định nếu người nhận quyền phải mua sản phẩm hoặc thiết bị từ bạn
- Kinh doanh để trải nghiệm những gì người nhận quyền yêu cầu
- Lượng vốn mà người nhận quyền cần đầu tư vào kinh doanh
Bước 3 – Phát triển hệ thống franchise
Công việc giai đoạn này tập trung phát triển hệ thống franchise cho mô hình kinh doanh. Bạn chuẩn bị thực hiện khá nhiều việc chi tiết như soạn thảo thỏa thuận franchise, tài liệu cẩm nang hoạt động sao cho dễ hiểu & khả thi đối với người nhận quyền, thiết kế tài liệu tiếp thị cơ hội franchise, xây dựng quy trình & công cụ để tuyển chọn & lựa chọn người nhận quyền, phát triển quy trình & công cụ để kiểm soát người nhận quyền.
Bước 4 – Hiểu rõ yêu cầu pháp lý & hành động để đáp ứng yêu cầu
Tìm hiểu yêu cầu pháp lý giúp bạn đánh giá, kiểm soát & xây dựng chiến lược bảo vệ tài sản trí tuệ (IP) như hệ thống thương hiệu, bí quyết sản xuất & kinh doanh, tài liệu quản trị hệ thống cũng như xây dựng những điều khoản thương mại & pháp lý khi soạn thảo hợp đồng franchise.
Hơn nữa, bạn cũng cần tìm hiểu yêu cầu pháp lý cụ thể của franchise ở thị trường mục tiêu hay quốc gia mà bạn nhắm đến. Một vài quốc gia không quy định những yêu cầu cụ thể như Hong Kong, Singapore, trong khi đó một số quốc gia khác lại yêu cầu người nhượng quyền cung cấp đầy đủ các tài liệu thông tin & đăng ký nhượng quyền (như Úc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Vietnam & Mỹ). Đối với yêu cầu thông tin, người nhượng quyền được yêu cầu cung cấp hàng loạt các thông tin về kinh doanh, bao gồm cả cẩm nang vận hành cho người nhận quyền, báo cáo tài chính có kiểm toán, thỏa thuận franchise và tài liệu đăng ký nhãn hiệu. Đối với yêu cầu đăng ký, người nhượng quyền cũng cần chứng minh họ đã có những kinh nghiệm hay thành công nhất định trong kinh doanh khi họ trực tiếp sở hữu các điểm kinh doanh với số năm hoạt động và số lượng tối thiểu các điểm kinh doanh đó. Giai đoạn này thường khá phức tạp và dễ làm nản lòng người nhượng quyền do những yêu cầu pháp lý chi tiết như thế, vì vậy bạn có thể mời các công ty tư vấn hoặc công ty luật hoạt động chuyên trong lãnh vực franchise tham gia hỗ trợ tư vấn nhằm tạo thuận lợi hơn cho bạn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu pháp lý liên quan.
Bước 5 – Tiếp thị hệ thống franchise
Trong bước kế tiếp, bạn cần tiếp thị cơ hội franchise và thuyết phục người nhận quyền tiềm năng tham gia vào hệ thống nhượng quyền. Để thực hiện điều đó, bạn có thể giao nhiệm vụ cho nhân viên thực hiện việc tiếp thị. Nhiều công ty mới chưa có kinh nghiệm về franchise sẽ thuê các công ty tư vấn franchise hoặc môi giới franchise thực hiện tiếp thị hệ thống & tìm kiếm người nhận quyền. Bạn cũng có thể tiếp thị cơ hội franchise bằng cách tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng cáo trực tuyến (mạng xã hội), hoặc quảng cáo khác trên báo hay tạp chí, hoặc thông qua sự giới thiệu hay quảng cáo truyền miệng. Công việc tiếp thị & tuyển lựa người nhận quyền đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tốt với hệ thống tổ chức và quản lý chuyên nghiệp nhằm đảm bảo các điểm kinh doanh phát triển nhất quán & hiệu quả như những “anh em ruột” trong một gia đình, hạn chế tình trạng hợp tác bị phá vỡ sau một thời gian chung sống không phù hợp với nhau. Điều lưu ý là người nhận quyền tiềm năng có thể là khách hàng hay nhân viên của bạn.
Bước 6 – Huấn luyện & hỗ trợ người nhận quyền
Với tư cách là người nhượng quyền, bạn có thể phải trải qua nhiều bước trước khi đạt đến bước này. Bạn bắt đầu xây dựng hệ thống đào tạo & huấn luyện ở các cấp độ khác nhau nhằm hỗ trợ mạng lưới người nhận quyền quản lý & kinh doanh – bước quan trọng có thể ảnh hưởng đến thành công hay thất bại cho kinh doanh của người nhận quyền. Chương trình huấn luyện và các hoạt động hỗ trợ sẽ giúp kiểm soát chất lượng, đảm bảo thương hiệu có được trải nghiệm nhất quán và đồng nhất cho mọi điểm kinh doanh bất kỳ.
Bạn cũng cần làm việc sát sao với người nhận quyền để hỗ trợ họ tiếp thị điểm kinh doanh trong khu vực mới nhượng quyền đến khách hàng cuối cùng
Hiện nay đang hình thành xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh Việt Nam theo định hướng chuỗi và franchise do nhiều bạn trẻ khởi nghiệp xây dựng nên như các chuỗi café Urban Station, Effoc, Start-Up, Haki, Factory, Milano, the Passio, Cactus, Phuc Long, Buzz, La Fontaine, các mô hình kinh doanh ăn uống khác như Phở Hùng, Cơm tấm Thuận Kiều, Cơm tấm Cali, Bánh canh Bến Có, bánh mì Tuấn mập, bánh mì Việt, trà sữa Hoa Hướng Dương…Hầu hết các mô hình này đều phát triển tự phát, thiếu định hướng chiến lược, cấu trúc tổ chức & quản lý chặt chẽ theo định hướng phát triển franchise bền vững. Điều này tiểm ẩn nhiều yếu tố rủi ro về phát triển hệ thống & hiệu quả kinh doanh cho cả người nhượng quyền & người nhận quyền liên quan. Franchise chỉ thật sự mang đến thành công lớn và lâu dài khi & chỉ khi cả 2 đối tượng này hiểu rõ & cam kết kiên trì thực hiện tốt những yêu cầu & công việc như trên. Và như thế bạn phải cam kết đeo bám & chăm chỉ thực hiện 6 bước cơ bản nói trên để phát triển mô hình franchise bền vững. Đó chính là điều kiện cần & đủ để giúp bạn gia tăng cơ hội & giảm thiểu rủi ro để trở thành người nhượng quyền thành công.
Viện Nghiên cứu, Ứng dụng
Đổi mới sáng tạo Doanh Nghiệp
3AI