GenAI có thể được ứng dụng vào từng tình huống cụ thể như xây dựng trợ lý cá nhân; phân tích và đánh giá dữ liệu, vẽ biểu đồ; tra cứu tài liệu học thuật; lập kế hoạch triển khai chương trình – sự kiện; dịch thuật viên chuyên nghiệp; tóm tắt và ghi biên bản cuộc họp…
Ngày 11/6/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi tập huấn “Tổng quan ứng dụng GenAI và ChatGPT”. Báo cáo viên là Th.S Ngô Hữu Thống (Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp – 3AI).
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn. Những tiến bộ về AI đang cung cấp các công cụ và chiến lược mới để giải quyết nhiều vấn đề kinh doanh khác nhau. GenAI, một lĩnh vực con của AI, đã thu hút sự chú ý đáng kể với khả năng tạo ra nội dung, cho dù đó là văn bản, hình ảnh, video hay âm thanh. Điều đặc biệt là GenAI có thể tạo ra các đoạn văn bản có tính sáng tạo và phù hợp với ngữ cảnh, giúp tiết kiệm thời gian và công sức của người dùng.
ChatGPT là chatbot có chức năng chính là phát triển ngôn ngữ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nó được đào tạo liên tục để duy trì cuộc trò chuyện được liền mạch, ví dụ như các đoạn văn bản tự động và có tính sáng tạo. ChatGPT được xây dựng trên nền tảng của GenAI, một lĩnh vực con của AI tập trung vào việc tạo ra các đầu ra mới thay vì phân tích dữ liệu. GenAI sử dụng mạng neural để tạo ra nội dung, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh, video hoặc âm thanh, từ các loại đầu vào khác nhau. Ý tưởng cơ bản đằng sau GenAI là dạy cho máy tính tạo ra nội dung giống như nội dung do con người tạo ra. Nó được cung cấp sức mạnh bởi các mô hình học sâu sử dụng phương pháp diffusion, GPT (generative pre-trained transformer) và các kỹ thuật khác được đào tạo trên lượng lớn dữ liệu để học các mẫu và tạo ra nội dung liên kết và phù hợp với ngữ cảnh.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, người tham dự đã tìm hiểu về Prompt (phương tiện để con người giao tiếp với AI), cách sử dụng bối cảnh và mục tiêu Prompt như văn phong, nhập vai, đối tượng tiếp nhận… Từ đó, ứng dụng vào từng tình huống cụ thể như xây dựng trợ lý cá nhân; phân tích và đánh giá dữ liệu, vẽ biểu đồ; tra cứu tài liệu học thuật; lập kế hoạch triển khai chương trình – sự kiện; dịch thuật viên chuyên nghiệp; tóm tắt và ghi biên bản cuộc họp…
Theo Th.S Ngô Hữu Thống, người dùng nên xem GenAI như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp tiết kiệm thời gian, mở rộng khả năng và khám phá những ý tưởng mới. Khi sử dụng, cần kiểm tra lại thông tin từ các nguồn đáng tin cậy cũng như cân nhắc sử dụng các công cụ và kỹ thuật để giảm thiểu sự thiên vị trong kết quả của GenAI. Bên cạnh đó, tránh sử dụng GenAI cho các mục đích độc hại, như tạo ra thông tin sai lệch, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền riêng tư, kết hợp tuân thủ các quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ khi sử dụng nội dung do GenAI tạo ra.
Nguồn: Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học & Công nghệ – CESTI
Tham khảo tại: https://www.cesti.vn/bai-viet/CTDS1/so-khoa-hoc-va-cong-nghe-tphcm-tap-huan-su-dung-genai-va-chatgpt-207dc9b9-6d61-4330-ab5f-0838feac3965